Portraits croisés de deux anciennes recrues des Jeunesses de Choc nées en 1947 dans la province de Thai Binh. Un regard sur la solitude et la solidarité entre “soeurs d’armes”.
Chuyện ghi ở một Trung tâm dưỡng lão
Kỳ 1: Mái ấm của những cựu TNXP cô đơn
Tại Trung tâm Dưỡng lão và hướng nghiệp, phát triển – tài năng trẻ Phật Tích (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) nhiều phận người mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn đang nương tựa bên nhau. Không hẹn mà gặp, trong số 21 người cao tuổi ở đây, đa phần là những cựu thanh niên xung phong (TNXP) một thời máu lửa.
Bớt cô đơn cuối đời
Bà Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1947, quê ở Hưng Hà, Thái Bình) ngồi lần từng đoạn chỉ đỏ để buộc lại chiếc máy trợ thính cũ kỹ. Năm 1967, khi đang là TNXP, bà Mai bị thương sau một trận oanh tạc và trở thành người điếc. Ở tuổi hai mươi, bà đã không còn nghe được những thanh âm trong trẻo của cuộc đời, vẳng bên tai chỉ còn là tiếng ù ù hỗn tạp. Thế nhưng, bà vẫn gắn bó tuổi thanh xuân với những con đường vắt vẻo trên lưng chừng núi vùng Tây Bắc. Rồi bà kết hôn với người đồng đội và 2 cậu con trai đã ra đời tại đơn vị của vợ chồng bà. Năm 1974, vợ chồng bà xuất ngũ về quê lập nghiệp. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với vợ chồng người chiến sỹ đã hy sinh tuổi xuân, sức khỏe nơi chiến trường, nhưng ai dè cuộc đời bà liên tiếp gặp bất hạnh.
Đứa con trai thứ 2 của bà Mai không may bị ngã bệnh mất khi mới lên 4 tuổi. Năm 1983, chồng bà Mai cũng qua đời sau một cơn bạo bệnh. Một mình, bà không quản ngày đêm bươn chải kiếm sống nuôi cậu con trai duy nhất còn lại khôn lớn. Chẳng ngờ cậu con trai – niềm hy vọng, chỗ dựa của bà làm nghề lái xe và bị bạn xấu rủ rê vào ma túy rồi bị chết. Con dâu dẫn 2 đứa cháu bỏ về quê ngoại ở Thái Nguyên, để bà già mắt kém, tai nghễnh ngãng sống cô đơn với những ký ức buồn. Bà tìm tới Trung tâm dưỡng lão này như một nơi để nương tựa tuổi già, để có người mà bầu bạn, sẻ chia nốt những ngày tháng cuối dốc cuộc đời.
Gia đình thanh niên xung phong
Người bạn già đồng hương ở Trung tâm Phật Tích của bà Mai là bà Hà Thị Tiếp (sinh năm 1947, quê ở Đông Hưng, Thái Bình) cũng có cuộc sống đầy những éo le sau khi từ chiến trường trở về. Tháng 12/1965, cô gái vừa bước sang tuổi 18 này đã xung phong lên đường đi đảm bảo tuyến đường sắt Bắc Nam qua địa phận tỉnh Thanh Hóa. Năm 1968, đơn vị của bà Tiếp di chuyển vào khu vực Quảng Bình, Quảng Trị làm nhiệm vụ giữ gìn giao thông trên những tuyến đường huyết mạch nối với tiền tuyến. Những trận bom ác liệt kẻ thù điên cuồng dội xuống các cung đường suốt ngày đêm, bà Tiếp cùng đồng đội không sợ hiểm nguy lao ra bảo vệ cầu đường thông suốt. Bị nhiễm chất độc hóa học dioxin, rồi bị sốt rét ác tính giày vò thân xác, bà Tiếp xuất ngũ về quê năm 1971.
Dù có nhiều người dạm hỏi, mai mối, nhưng bà Tiếp không có ý định kết hôn. Bà chia sẻ: “Những đồng đội của tôi cuộc sống vốn khổ cực lại có những đứa con không lành lặn, rất tội nghiệp. Tôi không muốn mình sinh ra những đứa con phải khổ như thế, nên đành chấp nhận ở vậy. Hơn nữa, tôi cũng muốn dành nhiều thời gian chăm sóc cho bố mẹ lúc về già”. Chúng tôi hiểu rằng ở tận trong sâu thẳm tâm hồn bà là miền ký ức về mối tình đẹp. Bà đã gặp một người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, hai người hẹn hội ngộ vào ngày hòa bình lập lại. Nhưng rồi khi chiến tranh chấm dứt, bà đợi hoài vẫn không nhận được tin người yêu. Chờ đợi mỏi mòn cộng với nỗi lo bản thân bị di chứng chất độc dioxin, lại thêm gánh nặng cha già mẹ yếu khiến bà không dám nghĩ đến hạnh phúc riêng. Đến với Trung tâm Phật Tích, bà Hà Thị Tiếp được sống quanh những người bạn già, những người bạn chiến đấu khi xưa. “Trung tâm này như gia đình của tôi, giúp tôi cũng như nhiều cựu TNXP cảm thấy bớt phần cô đơn”, bà Tiếp tâm sự.
Bà Tiếp, bà Mai cùng những cựu TNXP ở Trung tâm này vẫn tham gia trong đội tăng gia, cùng nhau nhổ cỏ, xới đất, chăm sóc những mầm rau xanh, cùng nhau tập thể dục, đọc báo… Nương tựa bên những người đồng đội cũ, họ cảm thấy cuộc sống bình an và có ý nghĩa hơn.
Ngọc Vũ
Source : Giao Thong Van Tai, 05/09/2013.
OpenEdition vous propose de citer ce billet de la manière suivante :
guerillera (10 septembre 2013). Kỳ 1: Mái ấm của những cựu TNXP cô đơn. Guérillera. Consulté le 20 septembre 2024 à l’adresse https://doi.org/10.58079/pd15